Hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy

Đối với một đám cháy mới phát sinh, việc sử dụng bình chữa cháy xách tay để dập lửa là một cách rất hiệu quả và tiện lợi. Trên thị trường có khá nhiều loại chữa cháy với những đặc điểm khác nhau như: Bình chữa cháy bột, bình chữa cháy CO2, bình bọt chữa cháy. Trong thực tế, bình chữa cháy bột và bình chữa cháy CO2 là hai loại thường được sử dụng phổ biến để chữa cháy.
Để chữa cháy hiệu quả thì bạn cần biết cách sử dụng loại phương tiện này. Sau đây là các bước cơ bản khi sử dụng bình chữa cháy xách tay:

Bước 1:

Ngay khi phát hiện có đám cháy và vị trí cụ thể, hãy nhanh chóng lấy bình và chạy đến nơi có đám cháy. Đối với bình dạng bột thì bạn nên lắc và đảo bình vài lần cho bột rơi trước khi phun vào đám cháy, nếu là bình CO2 thì không cần thao tác này.

Bước 2:

Giữ khoảng cách an toàn từ 3 – 4m so với đám cháy, sau đó đặt bình xuống mặt đất (sàn nhà) rồi giật chốt hãm có kẹp chì ra khỏi van bóp. Sau đó kết hợp một tay bóp van, một tay cầm loa phun di chuyển đến gần đám cháy khoảng 1,5m đến 2m. Vị trí tốt nhất là đầu hướng gió, tránh được ngọn lửa tạt vào người và gần lối thoát hiểm.

Bước 3:

Hướng vòi phun về phía ngọn lửa và bóp van để tiến hành dập lửa. Trong quá trình bóp van phải giữ liên tục và đưa vòi phun di chuyển qua lại để chất chữa cháy bao trùm lên đám cháy. Quan sát khi ngọn lửa nhỏ dần thì lại gần hơn và tiếp tục phun cho đến khi đảm bảo rằng đám cháy đã tắt hẳn.
❗ Lưu ý khi sử dụng bình chữa cháy xách tay:
– Bạn nên đọc rõ hướng dẫn để nắm kỹ tính năng tác dụng của từng loại bình để sử dụng cho phù hợp, hiệu quả.
– Đảm bảo đám cháy tắt hẳn mới ngừng phun
– Khi phun tuỳ thuộc vào từng đám cháy và lượng khí đẩy còn lại trong bình mà chọn vị trí, khoảng cách đứng phun cho phù hợp.
– Khi dập các đám cháy chất lỏng phải phun bao phủ lên bề mặt cháy, tránh phun xục trực tiếp xuống chất lỏng đề phòng chúng bắn ra ngoài, cháy to hơn.
– Khi phun phải đứng ở đầu hướng gió (cháy ngoài trời); đứng gần cửa ra vào (cháy trong phòng kín).
– Khi sử dụng các bình khí chữa cháy, chỉ được cầm vào phần nhựa hoặc cao su trên vòi và loa phun không cầm vào phần kim loại trên vòi phun đề phòng bị bỏng lạnh trong quá trình chữa cháy.
Việc tham khảo và nắm rõ các bước sử dụng bình chữa cháy đúng cách sẽ giúp bạn đỡ bối rối, hoảng loạn và xử lý tình huống kịp thời nếu gặp hoả hoạn. Chúc bạn áp dụng thành công, nếu thấy bài viết hữu ích hãy like và chia sẻ nhé! 🥰
Rate this post